Chỉ cần cất tiếng hát “Em ơi có bao nhiêu”, chắc chắn sẽ có người
nối tiếp “60 năm cuộc đời”. Lời bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân từ những
năm 1960-1970 của thế kỷ trước vẫn còn âm vang cho đến bây giờ. (Đám cưới nào
cũng có người hát).
60 năm, con người có được thọ
?
Để bước lên được bậc thang
60, chúng ta có thể chia ra làm 3 thời kỳ:
Thời thơ ấu.
Ở tuổi này con người mắc
nhiều thứ bệnh. Những bệnh như: Sốt xuất huyết, dịch tả, sốt ban các loại. vv… Cùng
với các tai nạn như: té giếng, té sông, điện giựt và còn nhiều tai nạn khác mà
ta không lường trước được. Những thứ ấy đã lấy đi nhiều em nhỏ. (Trước kia
khoảng 10% các em, nhưng nay đã giảm).
Thời trưởng thành.
Tuổi trưởng thành được tính
từ 20 đến 40. Đây là quãng đường đời dài nhất và cũng cam go nhất. Người trưởng
thành phải có cơm ăn, việc làm. Trong công việc rất dễ xảy ra tai nạn, tai nạn
lao động cùng với tai nạn giao thông cũng đã lấy đi nhiều người anh em chúng
tôi. Ngày nay, con người sống thiếu tự chủ, chạy theo lối sống bon chen, hưởng
thụ. Những căn bệnh xã hội cũng đã chiếm một tỷ lệ cao và số người đã ra đi vì
những căn bệnh này cũng nhiều.
Tuổi cận già (50-60).Con người phải đối diện với nhiều bệnh tật: Ung thư,
tim mạch, gan thận, viêm não.vv…Đó là kết quả của một lối sống thiếu tích cực,
thiếu hiểu biết. Một xứ đạo nhỏ ở ngoại thành như xứ chúng tôi, diện tích chỉ
khoảng 1,5km2, trong 20 năm qua đã có gần 20 người đã ra đi ở độ tuổi này.
Những ông bà tuổi 60 hiện
đang sống thì sao?
Những ông bà này, có người
vẫn làm việc, có người nghỉ hưu, có người không thể làm việc được.
Sau đây là tâm sự của quý ông
bà:
-
Ông K. Hàng ngày
tôi vẫn đi làm (làm bảo vệ), ăn mặc bảnh bao, chạy xe (xe 2 bánh) ngon lành,
những người chung quanh tưởng tôi còn trẻ, khỏe lắm. Họ có biết đâu rằng, trong
người tôi mang hàng tá bệnh: đau lưng, đau thận, gan cũng có vấn đề. Tôi cho
rằng: cuộc sống của tôi đã đến thời, nó quá mong manh. Sống ngày nào phải tự
làm vui cho mình và cho mọi người, có như thế mới được Thiên Chúa chúc phúc.
-
Bà H. Tạ Ơn Chúa,
Chúa đã thương đến chúng tôi, cho chúng tôi có cơm ăn việc làm. Khỏe thế nào với tuổi này. Bao nhiêu năm vất
vả giờ đây con cháu không cho làm nữa. Chúng may sắm cho tôi, chăm chút cho
tôi, nên khi ra đường nhiều người nghĩ tôi còn (Ngon lành) lắm. Nhưng thật ra
trong người tôi còn đọng lại những căn bệnh mà ngày xưa không chữa trị đến nơi
đến chốn. Tôi xin Chúa ban ơn giúp sức cho tôi chịu đựng để làm vui con cháu và
cũng tự làm vui mình.
Các bác sĩ nói gì với những
người tuổi 60?
Bước vào tuổi 35-40, con người
bắt đầu lão hóa. Sự lão hóa này rất nhanh, nhanh như xe tuột giốc, nghĩa là
càng về sau tốc độ lão hóa càng nhanh.
Tuổi 40: Đồng tử mắt bắt đầu
co lại, cách xa điểm vàng làm cho chúng ta không nhìn thấy những vật thể ở gần.
Cách khắc phục: Mang kính viễn thị.
Tóc đã điểm một vài sợi bạc,
người ta thường che giấu nó đi bằng cách nhổ tóc sâu.
Tuổi 50: Nếu có 2 người tuổi
40 và 50 đứng gần nhau, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt. người 50 mang kính nặng
độ hơn, tóc người 50 bạc hơn, chân tay và khuôn mặt người 50 có những nếp xếp
rõ ràng hơn. Trong công việc người 50 thao tác chậm hơn, đối phó với tình huống
thiếu tự tin hơn.
Về sức khỏe: lưng mau mệt
mỏi, thường đau ê ẩm sau một ngày làm việc. Các khớp gối tay chân co giãn yếu,
thế nên nhiều người thường vặn lưng bẻ gối kêu răng rắc.
Các cơ quan nội tạng ở tuổi
này đã suy yếu rất nhiều, gan mật và thận dễ bị đóng cặn sinh ra sỏi. Tim mạch
co giãn không đều gây nên những biến chứng liệt chi, méo miệng vv…
Cuối tuổi 50, các triệu chứng
trên càng rõ nét. Trên khuôn mặt và tay chân, làn da đã chùng xuống và lấm tấm
những vết nám càng lúc càng thâm đen. Đi đứng những bước chân mệt mỏi. trí nhớ
giảm làm cho mau quên.
Bước vào tuổi 60 tức là bước
vào tuổi thọ. Ở tuổi này chúng ta có thể ví như mặt trời lúc sắp lặn sau lũy tre làng. Thật nhanh và
thật nhanh. Những ánh sáng vàng vọt hắt lên như muốn níu kéo thời gian và
rồi…màn đêm đổ xụp thật nhanh chóng.
Chuyện:
Trong buổi lễ mừng khánh
thành một ngôi nhà thờ kia, chúng tôi chứng kiến: Một vị đại diện giáo xứ lên
phát biểu cảm tưởng và cảm ơn Đức cha, quý cha.
Chúng tôi cảm thấy ghen tỵ
với vị đại diện kia. Sao mà ông có được sức khỏe, sự trẻ trung và ăn nói mạch
lạc khỏe khắn, vui tươi cùng dí dỏm. Cuối lễ, khi được tiếp xúc, trò chuyện với
các vị đại diện thì mới biết: Ông ấy đã trải qua 3 lần phẫu thuật các đốt sống
lưng, cổ và hông, sức khỏe của ông ấy phải nói là tính từng ngày. Vậy mà ông
vẫn vui vẻ với mọi người, để cùng mọi người hoàn thành tốt công việc, cố che
giấu đi những khó khăn, chịu đựng những đau đớn để cho “sống vui, sống khỏe,
sống có ý nghĩa”.
Quý ông, quý bà kính mến!
Thông thường, chúng ta trân
trọng những gì là quý giá như: Đạo đức, tuổi tác, sức khỏe, công việc, vẻ đẹp
thiên nhiên và còn nhiều thứ khác nữa.
Mừng vì chúng ta đã vượt qua
ngưỡng tuổi thọ. Vui vì chúng ta có được sức khoẻ ổn định.
Sự mừng vui này chúng ta trân
trọng và chia sẻ với những người chung quanh.
Chúng ta đang đứng ở vị trí
cao trong nhà, trong xã hội, vì vậy mọi công việc và hành đông chúng ta làm đều
được nhiều người nhìn thấy: Tốt xấu, sống tích cực hay thụ động, vui tươi hay
buồn chán. Đừng bao giờ vướng phải câu “Già không nên nết” hoặc “Già mà ham”.
Lời ăn tiếng nói của chúng ta
vô cùng quan trọng vì trước mặt chúng ta là đàn con, lũ cháu.
Chúng ta luôn nhớ về những
người bạn, những người cùng thôn xóm, người sống cũng như kẻ chết, (sống thì
thăm hỏi, chết thì cầu nguyện) để cuộc sống của chính chúng ta thêm giá trị.
Sự bất cần đời hoặc sự ngạo
mạn dễ xảy ra ở tuổi già. Ăn mặc lôi thôi, tóc tai bù xù hoặc “cưa sừng làm
nghé”, chúng ta cần phải tránh.
Chuyện buồn:
Với đời sống ngày một nâng
cao, con người bớt lam lũ. Được ở nhà sạch, được ăn bát ngon, được mặc áo đẹp,
đau bệnh có thuốc chữa vv…
Những thứ ấy có thể đang đánh
lừa tư duy chúng ta.
Hình ảnh một người 60 tuổi
của nhiều năm trước và một người 60 tuổi ngày nay hoàn toàn giống nhau. Cũng da
mồi tóc bạc, cũng giọng nói rung rung, cũng đau lưng mỏi gối vv…Điều khác biệt
là cách phục sức bây giờ có gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn, làn da trắng trẻo hơn.
Người ta thường nói: Tiền vào
cửa trước, đạo đức thoát ra cửa sau. Quả đúng như vây. Một khi tư duy bị đánh
lừa, ta cảm thấy không còn là ta, ta cứ thả sức phung phí tiền bạc, sức khỏe,
ta cứ ăn chơi, để đến ngày tử thần đến, ta không kịp quay lại, và mọi sự hối
hận đã trở nên muộn màng.
Thật
diễm phúc chúng ta là người Công giáo.
Hiện nay các xứ đạo nào cũng
có hội phụ lão. Hội phụ lão bây giờ được tính từ tuổi 60 cho đến hết đời. Đây
là dịp để quý ông quý bà gặp gỡ, trước là để biểu lộ niềm tin qua lời cầu
nguyện, sau là để trao đổi với nhau về đời sống, về sức khỏe và nhất là có sự
gắn bó tình thân, thăm hỏi nhau khi có người đau yếu, cầu nguyện khi có người
qua đời.
Hội phụ lão cũng giúp chúng
ta thánh hóa được bản thân, tránh xa được các cám dỗ để từ đó chúng ta được
hoàn thiện khi đến trước tòa Chúa.
Xin gủi đến quý ông bà đoạn
Lời Chúa dưới đây để cùng suy niệm.
“Tư tưởng của Ta không
phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối
của các ngươi”(Is 55,8)”.
Quý ông, quý bà kính mến.
Sống 60 năm hay 80 năm hoặc
hơn nữa, điều đó có hạnh phúc không?
Mời quý ông bà đọc bài suy
niệm dưới đây của cha Giuse Đinh lập Liễm:
“Khi
nói tới cái chết, nhiều người sợ không dám dùng từ ấy, phải kiêng kỵ kẻo xui,
mà dùng nhiều từ khác thay thế, trong đó có từ MẤT. Theo nghĩa thông thường
thì từ “mất” nói lên cái gì
tiêu cực, nghĩa là mình không còn sở hữu một cái gì đó, ví dụ tôi mất một chỉ
vàng . Tuy thế, theo tương quan biện chứng, nó vẫn có tính cách tích cực, nghĩa là mất mà vẫn còn : đối với tôi là mất một chỉ vàng,
nhưng chỉ vàng vẫn còn trong túi của thằng ăn cắp.
Đối
với sự chết cũng vậy. Với cái nhìn đức tin của người Kitô hữu, thì chết là mất
sự sống ở đời này nhưng vẫn còn ở sự sống đời sau. Như vậy, chết là kết thúc cuộc sống ở đời
này, nhưng là khởi điểm của cuộc sống đời sau.
Người
Việt chúng ta vẫn thường nói :”Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” :
chết mà vẫn sống, mất mà vẫn con.
Paul
Claudel là một viện sĩ trong
Hàn Lâm viện Pháp, ông thuật lại : Hồi nhỏ, đã nhiều lần ông thắc mắc hỏi mẹ
ông :”Chết là gì” ? Nhưng mẹ ông chỉ im lặng, nhìn ông mà không chịu nói
gì. Thế rồi, một hôm, bên cạnh nhà ông có người chết, ông tò mò quan sát từ lúc
xác người này còn ở trên giường, cho đến lúc được khâm liệm vào quan tài, và
đóng nắp quan tài lại. Ông về nhà năn nỉ hỏi mẹ cho bằng được :”Chết là gì” ?
Ông
thuật tiếp :”Có lẽ, mẹ tôi cho là tôi đã đủ khôn lớn, nên mẹ tôi vào tủ sách
của gia đình, lấy cuốn Thánh Kinh ra. Mẹ tôi mở chương 13 sách Phúc âm thánh
Gioan, mẹ tôi thong thả đọc câu 1 :”Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ
của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà trở về với Chúa Cha ” rồi mẹ tôi âu yếm nhìn tôi và nói
:”Con ạ, chết là bỏ thế gian
để trở về với Chúa Cha”.
Thưa quý ông bà:
Tre già, măng mọc. Lẽ thường
tình là như vậy.
Con cái thường cầu mong cho
cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, chúng hãnh diện vì có cha mẹ già để được báo
hiếu và vv…
Chúng ta và các con như những
chiếc lá ở trên cùng một cành, chiếc lá này không thể che mưa che nắng cho
chiếc lá kia được. Cụ thể: Ta có bệnh, ta có quyết định đi chữa hay không? Uống
thuốc ta có chịu nuốt hay không?
Cuộc sống của ta là do ta
quyết định, vui buồn của ta là do ta tạo nên.
Tuổi đời 60 hay 80 không cần
thiết, bởi vì: Giá trị con người không đo bằng tuổi tác, nhưng đo bằng giá trị
đạo đức.
Lạy Chúa. Bước vào tuổi thọ,
chúng con có người còn sức khỏe, có người đã suy yếu. Xin cho người còn sức
khỏe biết sử dụng sức khỏe Chúa ban mà làm các việc đạo đức, tránh xa các dịp
tội mà chúng con vô tình hay hữu ý vấp phải.
Xin cho những người đau yếu
biết dùng Thánh giá Chúa gửi trao để trở
thành những của lễ hy sinh đẹp lòng Chúa.
Và cho tất cả chúng con được
qua đời trong Thánh thiện và Hạnh phúc.
Tôma Đỗ Lộc Sơn