Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Có Phải Quá Bận Rộn?

Filled under:

                          CÓ PHẢI QUÁ BẬN RỘN?

Câu chuyện thứ I.

    Cậu bé 10 tuổi nói với bố nó rằng:
  - Bố ơi! Mỗi giờ bố làm được bao nhiêu tiền?
  - Không thích câu hỏi có tính cách tò mò, nhưng bố nó cũng trả lời: Mỗi giờ bố làm được 10 đồng.
  -  Bố cho con 5 đồng được không?
  -  Thì ra con hỏi bố làm được bao nhiêu tiền để xin tiền à?
 Thằng bé bị bố nó tạt cho gáo nước lạnh, tiu nguỷu lên võng nằm. Thấy vậy, bố nó đến bên an ủi và bảo: Bố cho con 5 đồng đây, con cần mua  bút mực hay sách vở cứ nói, bố sẽ cho. Thằng bé vui mừng, chạy đến chiếc cặp lấy ra 5 đồng nữa, tổng cộng nó có 10 đồng. đưa cho bố nó và nói:


-         Đây là tiền công một giờ của bố, bố hãy đi chơi với con một giờ được không?
Ngạc nhiên, bố nó ôm vào lòng và nói: Bố xin lỗi con, bấy lâu nay bố lơ là không quan tâm đến con, bố đổ thừa cho công việc quá bận rộn.
 Thằng bé không hiểu, tròn mắt nhìn bố nó và nghĩ thầm. “Sao lại đổ thừa”. Như hiểu ý nó. Bố nó nói: Đi làm, bố thường đi sớm về trễ, ở nhà loanh quanh với những việc nhà, ngày lễ, ngày nghỉ cũng chỉ nghĩ đến công việc. Bố quá lo cho cuộc sống vật chất mà quên đi đời sống tinh thần. Nói đến đây bố chợt nghĩ về mẹ con, mới đó mà đã 15 năm kể từ ngày bố lấy mẹ, từng ấy năm không một chút thư thả, chưa một ngày rong chơi, bố và mẹ đã già đi rất nhiều so với số tuổi. Tất cả chỉ vì công việc.
  Bố hứa từ rày, bố sẽ bớt công việc, bố sẽ lo cho mẹ và con có được cuộc sống đích thực, tận hưởng được những gì mà Thượng Đế ban cho, đó là cảnh vật thiên nhiên, không khí trong lành .

 Câu chuyện thứ II

-         Chào anh Năm, anh đang làm gì đấy?
-         Oh! Chào anh Sơn, tôi đang tỉa nhánh mấy cây kiểng. Mời anh vào nhà.
-         Cám ơn anh, tôi đến để gửi anh bản thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, bản này đã được biên tập lại dưới dạng hỏi đáp, có 26 câu hỏi đã được chuyển dạng nhưng vẫn giữ nguyên văn bản gốc, để tiện việc tìm hiểu và học hỏi.
-         Hay quá, một lần nữa cám ơn anh, lần này tôi nhất định sẽ đọc.
 Ngay lúc ấy chị Năm xuất hiện, chị nói; Cám ơn anh, anh đừng cho nữa, anh ấy không có đọc đâu.
 Anh Năm nói như để thanh minh: Năm nay tôi đả gần 50 tuổi, mắt mũi kém, nên làm biếng đọc.
 Chị Năm nói xen vào: Ông nói mắt kém, tôi đã mua cho ông mắt kính rồi. Có những buổi tĩnh tâm mùa chay, những cuộc hành hương kính viếng Đức Mẹ, mỗi năm chỉ có một lần mà ông cũng không chịu đi.
 Anh Năm phân bua: Ơ..tại tôi bận…

                                                  ********
 Tất cả chúng ta đang bận rộn hay đang nhiễm một hội chứng mới: “tỏ ra bận rộn”? Và rất nhiều người đang vin vào lý do bận rộn để sống thờ ơ và nhạt nhẽo.
Không có thời gian quan tâm đến người khác
“Mình bận lắm, không có thời gian đâu”!
Đó gần như là câu cửa miệng của rất nhiều người trẻ. 24 giờ dường như là quá ít so với công việc một ngày của họ. Đi học, đi làm, giao tiếp xã hội... đã khiến cho mọi người quên đi bản thân mình và người xung quanh.
                                                     ********
  Là người công giáo, ai cũng biết: Đến với Chúa để được nhìn thấy Chúa, nhìn thấy mọi người, là được tận hưởng niềm vui, được hít thở không khí nồng ấm tình người, là thư giãn, là quên đi những  lo âu mệt mỏi….
Có anh bạn ở gần nhà thờ, (không công giáo) mỗi chiều chứng kiến nhiều thanh niên nam nữ, các cháu thiếu nhi, ăn mặc sạch sẽ gọn gẽ, vui đùa trò chuyện dưới tháp chuông, dưới hàng cây cao, trên thảm cỏ xanh chung quanh nhà thờ, khi chờ tới giờ lễ. Nhìn cảnh này anh thấy thật thần tiên và anh cảm thấy được vui lây.
 Chúng ta hãy gạt bỏ những bận rộn bằng cách sắp xếp thì giờ, công việc cho khoa học, bớt đi những thú vui cho riêng mình, để chúng ta có những phút giây cận kề bên Chúa, lo cho bản thân mình, gia đình mình và quan tâm đến những người chung quanh mình.
 Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, để chúng con biết tu sửa đường tiến về nhà Chúa cho bằng phẳng, sạch đẹp, biết tránh những hỏa mù bận rộn, để chúng con được rộng rãi thênh thang bước vào Nhà Chúa. Amen.

                                                                                  Tôma Đỗ Lộc Sơn